Cho đến bây giờ mấy ai còn nhớ được chính xác là bánh phồng đã ra đời từ lúc nào và tại sao nó chỉ hiện diện vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Người ta chỉ nhớ lại rằng, cách nay chừng vài thập niên, hằng năm cứ vào khoảng 25 đến 28 Tết, sau khi gặt hái xong vụ mùa là các vùng nông thôn của tỉnh Kiên Giang, kể cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nhà nhà đều tranh thủ thời gian lựa chọn giống gạo nếp thật ngon, thật dẻo để làm bánh phồng ăn Tết...
Muốn cho bánh phồng được ngon, ngoài việc lựa chọn giống nếp dẻo nó còn đòi hỏi đến kỹ thuật xôi nếp, quết nếp và cho thêm vào các chất phụ gia như đường, men... Nét đặc biệt của nghề làm bánh phồng là quết nếp. Sau khi nấu (xôi) chính hạt cơm nếp, người ta cho vào cối để quết. Quết nếp càng mịn, nhuyễn thì khi nướng lên bánh càng phồng to. Làm bánh phồng tuy đơn giản hơn so với một số bánh khác, nhưng không phải ai cũng đạt được kết quả như mong muốn. Nếu như xôi nếp chưa tới lửa, quết nếp không nhuyễn và cán bánh không đều tay hoặc dùng không đúng liều lượng các chất phụ gia thì khi nướng lên bánh sẽ bị chai cứng, không nở phồng ra được. Đây là bí quyết gia truyền của nghề làm bánh phồng ở Kiên Giang mà khó có địa danh nào sánh nổi.
Còn hạt cơm nếp sau khi được quết xong thành bột, người thợ chính mới bắt đầu nắn từng viên và lựa chọn các cô thôn nữ khéo tay để mà giao việc. Họ cán mỏng ra từng cái một rồi đem phơi lên những đôi chiếu mới nhất ở ngoài nắng. Đây cũng là dịp để cho các trai làng kén chọn người vợ tương lai của mình qua sự khéo léo của những cái bánh. Còn các cô thôn nữ cũng biết được đức tính và sức mạnh của chàng qua việc quết bánh. Có thể nói rằng, đây là điều kiện có một không hai trong năm để các trai làng và thôn nữ kết chặt duyên tình với nhau qua việc làm bánh phồng ngày Tết.
Bánh phồng cuốn dừa là món ăn hấp dẫn nhất so với các loại bánh làm làm bằng gạo nếp. Sau khi phơi bánh ở ngoài nắng hơi ráo ráo là đem vào cuốn với cơm dừa đã nạo; mà dừa thì phải chọn loại dừa rám vỏ, rồi cho thêm ít đường, muối, đậu phộng rang. Đây là món ăn độc đáo nhất, mang đậm nét đặc thù, hương vị của các miền quê đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đây, ở các vùng nông thôn Nam bộ trong những ngày giáp Tết khí trời hay lạnh, do vậy, bọn trẻ rất thích thú được ngồi quanh đống lửa để chờ xem các mẹ, các chị nướng bánh phồng. Nướng bánh phồng cũng là một nghệ thuật. Muốn cho bánh nướng lên được ngon, thì phải đốt lửa bằng rơm và trong quá trình nướng phải xoay trở bánh cho thật lẹ tay, còn lửa thì tùy theo mức độ nở phồng lên của bánh mà gia giảm. Dù cho bánh làm ra khéo cách mấy chăng nữa, nhưng nếu không biết cách nướng thì coi như vô dụng. Sự điêu luyện này đòi hỏi cả một quá trình thực tiễn và sự sáng tạo của bản thân.
Dọc theo các vùng nông thôn Nam bộ, trước đây vào những ngày Tết, bên những cái bánh phồng, ly trà, các lão nông thường hay ngồi lại với nhau bàn tính chuyện đồng án, mùa nàng. Hương vị của bánh phồng thơm ngon cùng với tách trà đậm đà quyện chặt lại với nhau và cứ thế tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm gắn bó.
Bây giờ nhìn lại, hiếm có địa danh nào giữ được nét đẹp truyền thống của nghề quết bánh phồng. Đây là sự luyến tiếc cho một vùng đất đã sản sinh ra những cái bánh phồng ngày Tết mà khó có nơi nào sánh được. Đó là nét độc đáo trong làng văn hoá ẩm thực ở các vùng nông thôn tỉnh Kiên Giang và kể cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
chia sẻ ảnh đẹp check in
Tin bài liên quan khác
Hotel84.com chia sẻ các địa điểm Nhà hàng - Quán ăn ngon ở Việt Nam để thực khách dễ dàng tìm kiếm địa chỉ ăn uống.
KHÁCH SẠN TIÊU BIỂU
Tin khuyến mại
TOP ĐIỂM ĐẾN
KHÁCH SẠN GIỚI THIỆU
Khách sạn Việt Nam được hotel84.com quảng bá và cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách sạn giá tốt nhất, thông tin về các Khach san cho chuyến công tác hay kỳ nghỉ thú vị đầy kỷ niệm của du khách.