Cồn Mỹ Phước cũng chính là toàn bộ ranh giới hành chính của ấp Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Cồn nằm gần cuối hạ lưu sông Hậu, cách bờ biển Đông 45 km và cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 30 km về hướng Đông - Bắc. Từ trên cao nhìn xuống, cồn Mỹ Phước có hình bầu dục trông như một chiếc xuồng hay như một trái cà na, có hai đầu tóp lại, đoạn giữa phình ra có đường kính từ 500 m - 600 m. Toàn bộ cồn có diện tích tự nhiên là 1.020 ha, trong đó diện tích cây ăn trái gần 300 ha với 435 hộ và hơn 2.000 cư dân sinh sống.
Từ trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng để đi đến cồn Mỹ Phước có thể lựa chọn một trong hai tuyến đường bộ sau:
- Tuyến Sóc Trăng - Kế Sách: từ thành phố Sóc Trăng ra quốc lộ 1 đến ngã ba An Trạch một chặng 6 km, rẽ phải theo Tỉnh lộ 1 về huyện Kế Sách một chặng 12 km, theo hướng lộ 5 một chặng đường 10 km đến phà Nhơn Mỹ rồi qua sông 1 km là đến cồn.
- Tuyến Sóc Trăng - Đại Ngãi: từ thành phố Sóc Trăng theo Quốc lộ 60 một chặng 18 km đến xã Đại Ngãi, rẽ trái theo Hương lộ 11 một chặng 6 km đến bến đò xã Song Phụng (huyện Long Phú) rồi qua sông 1.5km.
Tuy hai ngã đường đều thuận tiện, nhưng từ tỉnh lỵ Sóc Trăng đi theo tuyến qua Đại Ngãi đường đi gần hơn, nếu từ hướng Cần Thơ hoặc Hậu Giang về thường đi qua tuyến Kế Sách để về cồn. Còn nếu từ Cần Thơ muốn được ngắm phong cảnh hữu tình trên sông nước thì xuống tàu cao tốc từ bến Cần Thơ xuôi thẳng theo dòng sông Hậu một chặng 50 km là đến cồn Mỹ Phước, thời gian ngồi tàu cũng chỉ non 2 tiếng đồng hồ.
Giống như nhiều vạt cồn và cù lao khác, cồn Mỹ Phước được hình thành phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông theo dòng sông Hậu đổ về hạ lưu, đến địa phận Mỹ Phước dòng nước chảy chậm lại và phù sa lắng xuống lâu ngày tích luỹ dần và trở thành cồn. Theo những người dân cố cựu xứ cồn kể lại, cồn Mỹ Phước đã định hình cách đây khoảng 150 năm. Ban đầu mặt cồn còn thấp, trên cồn chỉ toàn là những bãi bùn năng lác, cỏ dại và cây bần cây tạp cùng một số loài thú hoang và chim muông sinh sống.
Vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp cai quản cồn này và đặt tên là cồn Công Điền (tức vùng đất công của nhà nước thực dân), nằm trong địa phận của làng Kế Sách thuộc Tổng Định Khánh, tỉnh Sóc Trăng, hàng năm người dân chỉ được phép đến đây khai thác và mua củi bần theo phương thức bán đấu giá bằng xuồng. Có năm gặp sóng to, gió lớn, nhiều đoàn xuồng nghe chở nặng nên bị lật chìm, củi bần theo từng con sóng cuốn trôi dập dềnh trên khắp mặt sông, tài sản của bà con coi như mất trắng.
Năm 1946, có hai vợ chồng ông thợ Sáu (tên thật Nguyễn Văn Nghiêm) là những người đầu tiên đặt chân lên cồn khai phá đất đai, bao bờ trồng rẫy, dần dà những cư dân khác thấy đất trên cồn mầu mỡ cũng đến sinh cơ, lập nghiệp ngày một đông hơn. Bà con bắt đầu trồng các loại cây ăn trái thông thường như: chuối, cam, quýt, bưởi, sa bô, rồi sau đó phát triển thêm các vườn cây đặc sản cho xứ cồn như chôm chôm, măng cục, sầu riêng.
Bên cạnh đó trong những thập niên gần đây dân cư cồn còn tận dụng những dầm nước ao hồ nuôi thêm các loại cá da trơn, tôm nước ngọt bên cạnh những đàn heo, gà, vịt,… làm phát triển thêm nguồn kinh tế và phong phú thêm cho khung cảnh thiên nhiên sinh thái đất cồn.
Đến cuối thập niên 50 thế kỷ XX, phù sa lại bồi lắng nổi lên một vạt cồn mới cặp sát cồn Công Điền (cách nhau một rạch Mọp). Người dân gọi là cồn Bùn.
Dưới chế độ Mỹ - Ngụy, cồn Công Điền lại được lại được gọi với tên là cồn Quốc Gia (sau sự kiện Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đáp máy bay xuống tham quan Cồn), việc đổi tên này chỉ là hình thức vì bản chất ý nghĩa của tên gọi mới vẫn là vùng đất công của nhà nước, chịu sự giám sát, quản lý của ngụy quyền Sài Gòn. Tuy vậy, bà con xứ Cồn vẫn một lòng hướng về cách mạng, lén lút đóng thuế đảm phụ và nuôi chứa cán bộ cách mạng nằm vùng hoạt động. Hàng chục thanh niên yêu nước của xứ cồn đã lên đường tham gia kháng chiến, có 43 liệt sĩ hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Ngoài ra, ở cồn có 5 thương binh và 2 mẹ được Nhà nước phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, theo sự sắp xếp lại đại danh hành chánh, cồn Quốc Gia được lập thành ấp Mỹ Phước (tức cồn Mỹ Phước)
Cồn Mỹ Phước được thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, người dân trên cồn đã phát triển mạnh nghề làm vườn. Đất xứ cồn này từ xưa đã nổi tiếng với cây hồng xiêm, xoài, sầu riêng,... có vườn trồng tỉa thêm cam quýt nên từng nông hộ đã tạo dựng được cuộc sống ổn định ấm no và sung túc. Tiếng lành đồn tiếng xa về vùng đất cù lao cây lành, trái ngọt, cảnh vật hữu tình và người dân giàu lòng mến khách, nên hằng năm cứ vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) hàng ngàn du khách từ các nơi lại hội tụ về đây vui chơi và thưởng thức không khí trong lành của miền cù lao, nhằm xua đi cái nóng oi bức của mùa hè nơi phố thị. Đến với cồn Mỹ Phước vào bất cứ mùa nào, cây trái miệt cồn có sẵn đủ loại, mùa nào thì trái nấy thơm ngon phục vụ quí khách. Đặc biệt nơi đây du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn dân dã trong những khu vườn rợp bóng, du khách sẽ rất thích thú khi thưởng thức tô bún nước lèo Sóc Trăng, nhâm nhi ly rượu gạo nấu với cá lóc luộc hèm và xem biểu diễn chiên bánh xèo kỷ lục với đường kính lên đến 1 m. Nhất là món cá ngác tươi roi rói nấu canh chua bần là đặc sản ăn một lần nhớ mãi của vùng quê thanh bình bên bờ sông Hậu diễm kiều với một màu xanh cây trái trải rộng làm ấm áp tình người.
Nếu cần một không khí sôi nổi vào mùa lễ hội bạn có thể tham gia vào các cuộc thi nấu ăn, ai cũng hăm hở trổ tài những món ngon mà nguyên liệu sẵn có trên cồn như món bánh xèo vàng ruộm ròn tan ăn kèm với các loại rau sẵn có, rồi bánh dừa, bánh ít, bánh bông lan, bánh tét, xôi ngũ sắc, rồi cá hấp đủ loại ăn kèm bún và rau… Đó còn là các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi đất, nhảy bao, bắt vịt trên cạn, kéo co, đẩy gậy. Trong những ngày hội “Sông nước miệt vườn” ở cồn Mỹ Phước đã diễn ra đêm công diễn liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ thu hút hàng ngàn người đến xem. Và những ngày bình thường, hay ngày nghỉ cuối tuần câu lạc bộ đòn ca tài tử miệt cồn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu của khách qua những điệu thức đậm chất tài tử Nam bộ mộc mạc, trữ tình, hiếu khách tuy là “cây nhà lá vườn” nhưng vẫn làm say mê lòng người, du khách có những phút giây thư giãn thả hồn mình trên sông nước miệt cồn và cùng hoà lời ca tiếng hát của mình, cùng trổ tài với các nghệ nhân đờn ca tài tử nơi đây.
Trong lễ hội cũng tổ chức hội thi trái cây ngon với trên 20 loại trái cây đặc sản như: bưởi Da xanh, bưởi Năm roi, mít Nghệ cao sản, xoài Đài Loan… của các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long… cũng được trình làng. Giải đua thuyền rồng, đua vỏ lãi diễn ra thật thật hào hứng hấp dẫn và gay cấn âm vang trên sông Hậu.
Người dân miệt Cồn Mỹ Phước rất hiếu khách, chân tình cởi mở, chân chất chính vì thế mà khách và chủ thoải mái, vui vẻ làm cho ai đã một lần ghé thăm không thể nào quên và hẹn ngày tái ngộ nơi làng quê cây trái trĩu sai suốt cả bốn mùa, nằm e ấp náu mình trên dòng sông Hậu bao quanh với một màu xanh ấm no, hạnh phúc
Cồn Mỹ Phước nơi đất lành chim đậu, với phong cảnh hữu tình, không khí trong lành và được thiên nhiên ban tặng nhiều đặc sản đa dạng và phong phú; cùng với người dân xứ cồn quanh năm cần cù lao động đã xây đắp nên. Người dân xứ cồn đã biết trân trọng thiên nhiên, sống hoà hợp với thiên nhiên, biết tận dụng và đối phó với thiên nhiên, nắm vững qui luật của tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống con người nơi đây một ngày càng tốt hơn… Theo Quyết định số 141/QĐHC-CTUBND, ký ngày 01 tháng 02 năm 2008 công nhận cồn Mỹ Phước là di tích thắng cảnh cấp tỉnh.
Cồn Mỹ Phước xứng đáng là “Thắng cảnh du lịch sinh thái” làm say lòng bạn bè bốn phương, cần được phát triển, xây dựng thành một trong những điểm du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng ở tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
chia sẻ ảnh đẹp check in
Tin bài liên quan khác
KHÁCH SẠN TIÊU BIỂU
Tin khuyến mại
TOP ĐIỂM ĐẾN
KHÁCH SẠN GIỚI THIỆU
Khách sạn Việt Nam được hotel84.com quảng bá và cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách sạn giá tốt nhất, thông tin về các Khach san cho chuyến công tác hay kỳ nghỉ thú vị đầy kỷ niệm của du khách.