Nhà tù Lao Bảo là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương. Đây là nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng cộng sản cốt cán mà sau này là lãnh đạo cao cấp của chính quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết... Sau ngày thống nhất đất nước, nhà tù Lao Bảo được công nhận là "di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia".
Nhà tù Lao Bảo nằm cuối đường Lê Thế Tiết (Ông là một người tù cộng sản đã bị tra tấn đến chết tại nhà tù này vào năm 1940) nối từ quốc lộ 9 đi vào thuộc Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá. Nhà tù Lao Bảo được xây dựng ở giữa một thung lũng cách phía nam Quốc lộ 9 khoảng 2km, cách Đông Hà khoảng 80km, cách Khe Sanh khoảng 22km, bao quanh 3 phía nam. Trước đó, đây là một vùng hoang vu, phía Tây là sông Sê Pôn, phía Đông là núi đá cao chót vót, phía Bắc là đồn Trấn Cao thời Nguyễn. Di tích đã được xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 154/BVHTT ngày 25/01/1991 của Bộ Văn Hóa Thông tin.
Từ thời phong kiến nhà Nguyễn, nơi đây là một đồn trấn thủ ở ải biên thùy, trấn giữ một phần bờ cõi phía Tây của lãnh thổ Đại Nam. Nơi đây trước đó là vùng rừng núi chập chùng, hiểm trở, xa dân cư, thường biết đến là chốn “rừng thiêng, nước độc”.
Từ khi thực dân Pháp đặt quyền bảo hộ lên đất nước Việt Nam, cùng với việc khai thác thuộc địa, trấn áp các cuộc khởi nghĩa, các phong trào cách mạng, chúng đã cho xây dựng một loạt nhà tù ở nhiều nơi để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản. Chính vì thế từ khi Pháp chính thức mở Đường 9 (năm 1904), thì sau 4 năm, chính quyền thực dân bắt tay vào việc nâng cấp Bảo Trấn Lao thời nhà Nguyễn thành nhà tù Lao Bảo (1908) .Nhà tù Lao Bảo được xây dựng trên một khu đất rộng chừng 10ha, hoàn toàn biệt lập với các khu vực khác để giam giữ các “Quốc Sự Phạm” miền Trung là thường phạm và những người yêu nước chống Pháp theo các phong trào Cần Vương, Văn Thân. Sau 1929-1930, nhà đày được mở rộng để giam tù cộng sản.
Tư thế luôn ngẩng cao đầu mặc dù bị xiềng xích , những cánh tay chống xuống gồng mình chống chọi với cảnh tù đày của nhữngtù nhân “quốc sự phạm” Những sĩ phu yêu nước của phong trào Văn Thân, Cần Vương, những tên tuổi đã đi vào sử sách, thi ca
Trong chiến tranh Đông Dương, nhà tù Lao Bảo giữ một vị trí rất quan trọng. Đây là một trong năm nhà tù lớn nhất của Đông Dương, thực dân Pháp dùng nơi đây để giam cầm những người bản xứ chống lại họ, những người cộng sản hoạt động ở Quảng Trị như: Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dục, Trần Hoành, Lê Thế Hiếu, Trần Ngang, Đoàn Lân, Trần Công Ái..., miền Trung Việt Nam như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, thậm chí còn giam giữ cả những người Lào.
Những câu thơ của Tố Hữu được khắc dưới tượng đài 3 nắm tay tượng trưng cho những lời thề kiên trung với dân tộc: (những câu thơ này được Tố Hữu viết vào 6 - 1938 khi đi ngang qua nhà tù Lao Bảo cũng vì bài thơ này 2 năm sau ông của bị bắt giam đày lên nhà tù Lao Bảo)
“Cho tôi hưởng tinh thần hăng chiến đấu
Cho da tôi dày dạn với ngày mai
Cho tôi hiến đến cuối cùng suối máu
Cho nhuộm hồng bao cảnh xám bi ai…”.
Vào những năm 1960 của Chiến tranh Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã biến nơi đây thành cơ sở cách mạng của quân đội trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (năm 1967).Để đập tan ổ cứ điểm này và tiêu diệt lực lượng bộ đội đang ẩn náu ở nơi đây, Hoa Kỳ đã sử dụng lực lượng không quân hùng hậu ném bom đánh sập gần như toàn bộ Nhà tù Lao Bảo.
Ban đầu chỉ có hai dãy nhà giam gọi là lao A và lao B gồm hai dãy nhà tù cũ, bán kiên cố, làm bằng tre, gỗ, trát đất, lợp ngói, dài 15m, cao 2m, rộng 5m. Tường đất kín mít, trét toóc xi, chỉ có hai cửa lớn ra vào, khi đóng cửa nhà tối om như hầm đá. Xung quanh nhà có lan can và có hành lang nối liền hai lao A và B. Trong mỗi lao có hai dãy sàn gỗ cho tù nhân nằm, cuối căn có trang bị cùm lớn. Mỗi lao có thể giam giữ được 60 tù nhân, tù nhân có thể ngồi dậy nhưng không thể di chuyển vị trí nằm được.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều phong trào cách mạng nổ ra khắp miền Trung, thực dân Pháp tăng cường săn lùng, bắt bớ đàn áp cách mạng. Để phục vụ cho việc giam giữ tù nhân là Đảng viên Đảng Cộng sản. Năm 1931 – 1932 thực dân Pháp cho xây thêm hai dãy nhà mới gọi là lao C và lao D có phần kiên cố hơn với tường bằng đá, mái lợp tôn, sàn bằng xi măng, bê tông cốt thép, đến năm 1934 thì hoàn thành. Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m giam giữ được khoảng 180 tù nhân và khu biệt giam có 13 buồng, mỗi buồng rộng 1m, cao 2,14 m.
Dưói lao C có một nhà hầm (hầm E), là một cái hầm sâu xuống đất, gọi là ca sô, từ trần đến mặt đất chỉ khoảng 2 mét, tường xi măng cốt thép kiên cố dày 1m, không có cửa sổ chỉ có những lỗ nhỏ hình chữ nhật cũng có song sắt chắc chắn, có một cửa nhỏ vuông bằng sắt dày khoảng 0,4m, song sắt cửa sổ to bằng ngón tay đan dọc ngang, dày không đút lọt lon sữa bò. Đây là hầm biệt giam để giam tù chính trị.
Nói chung, ba gian nhà C, D, E đúc bằng bê tông cốt thép rất vững chắc. Trong đó hai nhà D và E chồng lên nhau, nhà D ở trên nhà E. Kiểu kiến trúc các nhà A, B, C, D này khác hẳn các nhà tù khác. Tường xây cao lên cách nền chừng 5m, không có cửa sổ, xây hàng hiên chìa ra phía ngoài cả bốn chung quanh, xây cao lên khoảng 2,5 m, có cửa số song sắt và cửa kính. Lính gác đi lại theo hàng hiên này, nhìn xuống thấy rõ khắp cả nhà lao.
Người tù ở trong nhà lao chỉ nhìn lên thấy trời theo cửa sổ trên cao, không thấy gì xung quanh. Toàn bộ các công trình được bao quanh bởi hệ thống tường thành kiên cố cao 3,5m và nhiều lô cốt bảo vệ ở các góc thành và các vị trí quan trọng. Ngoài ra trong khu vực nhà đày Lao Bảo còn có nhà hành xác, nhà tra trấn, hỏi cung (nằm ở góc Đông - Nam), nhà cai ngục, trại lính (ở góc Tây - Bắc) nhà dây thép (Bưu Điện), xưởng mộc, xưởng thêu, xưởng rèn. Ngoài hệ thống nhà lao, phía ngoài còn có nhà ăn, nhà bắt các tù nhân làm các đồ dùng thủ công. Gần cổng là nhà của đồn trưởng, cai, xếp và trại lính được bao quanh bởi hàng rào tre cao chắc chắn. Hiện nay ở đó còn cột xi măng, giữa đục lỗ cắm cờ chủ quyền.
Tại đây thực dân Pháp đã dùng những hình phạt dã man thời Trung cổ như gông, cùm, xiềng xích cùng với chế độ cai trị hà khắc tàn bạo nhất để đàn áp và giết hại các lực lượng yêu nước và cộng sản. Theo số liệu thống kê chưa được đầy đủ từ khi lập nhà tù Lao Bảo cho đến tháng 3 năm 1945, đã có hàng ngàn tù nhân bị thực dân Pháp giam giữ tại đây, trong đó có trên 350 là tù nhân chính trị bị lưu đày, nhiều đảng viên Cộng sản đã chết vì không chịu nổi những đòn tra tấn của lực lượng hỏi cung.
Mỗi một người hay một tốp tù mới đến, đều phải nằm sấp, úp mặt xuống đất trước cửa phòng giấy của chủ ngục, lính canh lục soát hết mọi thứ. Tất cả đồ đạc của người tù mới đến, bất kể cái gì, khô hay ướt, đều gói lại, ghi sổ, đưa vào kho. Đến khi lấy ra thì đồ vật hầu như hư hỏng hết vì không được bảo quản tốt.
Khi mới vào nhà tù, việc đầu tiên của tù nhân là bị đưa vào lò rèn, đóng gông, xiềng, cạo đầu. Nhiều trường hợp dao cùn quá, cạo rách cả da đầu, chảy máu. Sau đó đưa xuống casô, cùm lại. Chế độ gông cùm ở đây cũng khác nhiều nơi. Mỗi người tù đều phải mang gông và xiềng sắt ở cổ, hai vòng sắt ở hai chân, có dây xích sắt ngoặc vào ba còng sắt ấy.
Người tù bị bắt làm đủ thứ việc từ đập đá mở đường 9, làm cầu cống, chặt cây, đắn gỗ đến làm vườn trồng rau, làm thợ mộc, làm đồ mây tre, đồ thêu... để tăng thu nhập cho chủ ngục. Khi đi làm ở ngoài thì cứ hai tù có một lính đi theo canh, đi cách nhau 5m. Lính canh phải cầm súng, ngón tay trỏ luôn luôn để sẵn ở cò súng. Một đoàn tù đi làm không nghe một tiếng nói mà chỉ nghe tiếng xiềng sắt chạm nhau lẻng xẻng và tiếng chửi bới của lính. Ngoài giờ đi làm, về lao là tù nhân bị cùm ngay, Cùm xong mới được ăn .
Thuốc men ở trong tù cho phạm nhân chỉ có một thứ là ký ninh nước (là một loại cây leo có có vị rất đắng dùng để làm thuốc trị sốt rét). Hàng tuần chiều thứ hãy, đi làm về, y tá và lính đứng sẵn ở cửa ra vào buộc mỗi người phải há mồm, chúng đổ vào mồm một cốc ký ninh nước, nuốt xong mới được đi. Nhiều người phải nôn mửa
Địa hình ở đây từ thời xưa được gọi là "rừng thiêng nước độc" , Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Về mùa khô hanh, ban đêm ở Lao Bảo rất lạnh, còn ban ngày, nhất là buổi trưa thì rất nóng, buổi sáng sương mù dày đặc, chỉ cách nhau khoảng 3 hoặc 4 mét là không thấy mặt nhau. cộng với muỗi rừng căn bệnh sốt rét , lũ quét cho nên phạm nhân rất dễ bị nhiễm bệnh.
Sốt rét của tù nhân tại Lao Bảo được nhắc đến trong một bài thơ tiếng Quảng Trị:
"Kiểng tiềng Lao Bảo chộ xeng xeng
Động mạ rào con nác chảy queng
Cà Lơ răng xuốc cươi phơi ló
Eng tù đau bẻ nác đa xeng”
Có nghĩa là :
Cảnh tình Lao Bảo thấy xanh xanh
Núi mẹ sông con nước chảy quanh
Cô Kiều đang quét sân phơi lúa
Anh tù sốt rét nước da xanh
Nhà tù Lao Bảo là bằng chứng sống động về tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Đồng thời còn là nơi phản ánh tinh thần chịu đựng, kiên cường, ý chí cách mạng to lớn và quyết tâm chiến thắng kẻ thù trong mọi tình huống của những người yêu nước và chiến sĩ Cộng sản. Là bài học quý báu trong việc giáo dục đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo: Quangtri360.com
chia sẻ ảnh đẹp check in
Tin bài liên quan khác
KHÁCH SẠN TIÊU BIỂU
Tin khuyến mại
TOP ĐIỂM ĐẾN
KHÁCH SẠN GIỚI THIỆU
Khách sạn Việt Nam được hotel84.com quảng bá và cung cấp dịch vụ tìm kiếm khách sạn giá tốt nhất, thông tin về các Khach san cho chuyến công tác hay kỳ nghỉ thú vị đầy kỷ niệm của du khách.